Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn công thức làm cơm rượu chuẩn hai miền Nam, Bắc.
Cách làm rượu nếp ngon kiểu miền Bắc
Cách 1:
Chuẩn bị
Nếp lứt 500g
Men ngọt 5 đến 8 viên
Hướng dẫn
1. Nếp mua về nhặt sạch hạt lép, hạt đen và lúa còn lẫn trong nếp, vo kỹ. Cho nước vừa đủ (như nấu cơm) nấu chín, đổ ra rá hoặc mẹt tre để thật nguội.
2. Xay hoặc giã men nhỏ mịn.
3. Đổ nếp vào rổ hoặc rá (loại dễ thoát nước), rây trộn một nửa men vào nếp, sau đó tãi nhẹ nếp cho đều mặt và rắc đều hết chỗ men còn lại lên trên mặt nếp.
4. Đặt dĩa sâu lòng hoặc tô lớn ở dưới rá nếp để hứng nước cơm rượu. Cho toàn bộ vào thùng đậy kín (có thể cho vào bao nylon lớn và cột kín lại), để vào nơi nóng ấm. Nếu trời mùa hè chỉ khoảng 30 giờ thì dỡ được. Tiết trời lạnh có thể để thêm vài giờ.
Chú ý:
• Nấu nếp quá khô cơm rượu sẽ ít nước.
• Nấu nếp quá nhão, cơm rượu nát và nhiều nước.
• Nếp bị lẫn gạo, cơm rượu sẽ sượng.
• Cho men khi nếp chưa nguội hẳn, cơm rượu sẽ bị chua.
• Men cho vào cối xay hoặc giã cho nhỏ mịn rắc trộn một nửa vào nếp đặt tô dưới rá để hứng nước cơm rượu, cho vào thùng đậy kín.
• Tãi nhẹ nếp cho đều mặt và rắc đều hết chỗ men còn lại lên mạt nếp.
• Nấu chín cơm nếp rồi đổ ra rá hoặc mẹt tre, hong cho thật nguội.
Cách 2:
Rượu nếp ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng; có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải sử dụng đến đường!
Nguyên liệu:
– 1kg gạo nếp xay lật hay còn gọi là gạo nếp lứt
– 3 quả men rượu
– Nồi gốm, túi khóa zip cỡ to.
Bước 1:
Gạo nếp vo sạch, để ráo. Cho gạo vào nồi cơm điện, nấu như nấu cơm, tuy nhiên bạn cho lượng nước ít hơn so với nấu cơm bình thường nhé. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể đồ như đồ xôi. Cơm nếp chín đổ ra mâm rộng, tãi mỏng cơm cho nhanh nguội.
Bước 2:
Men rượu gạt bỏ lớp vỏ trấu bằng cách xát 2 quả men vào nhau.
Giã mịn men.
Bước 3:
Cơm sau khi đã nguội hoàn toàn bạn rây men vào Trộn đều cơm và men. Tiếp tục rắc nốt phần men còn lại, đảo đều.
Bước 4:
Ủ rượu nếp cái ngon nhất là sử dụng lá chuối khô, tuy nhiên ở thành phố hiện nay để tìm được lá chuối khô là điều không dễ dàng. Mình đã thử tận dụng ngay những vật dụng thường có trong bếp để ủ rượu thì thấy kết quả vẫn ngon. Vật dụng thay cho rổ tre và lá chuối khô mình sử dụng là nồi gốm và túi khóa zip. Dùng kéo cắt tạo lỗ ở phần đáy túi khóa zip.
Cho cơm đã trộn men vào túi.
Trong nồi gốm đặt 1 bát hoặc đĩa nhỏ sau đó đặt tấm phên tre lên. Để như vậy để khi ủ rượu nước rượu sẽ chảy xuống chứ không bị đọng làm rượu dễ lên men cay.
Đặt túi khóa zip chứa cơm đã trộn men vào nồi.
Kéo miệng túi kín lại rồi đậy vung nồi để chỗ thoáng mát.
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay bạn chỉ cần ủ khoảng 34 tiếng là rượu đã ngấu. Với thời tiết mát mẻ hơn bạn có thể tăng thời gian ủ. Cách kiểm tra cơm rượu đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng, rượu có vị ngọt, thơm, không bị chua hoặc cay.
Sau thời gian ủ, nước rượu chảy xuống dưới khá nhiều, bạn sử dụng chính nước này để tưới lên cơm rượu nhé.
Bạn nhớ để ý dỡ rượu khi đến độ, tránh ủ lâu sẽ làm rượu lên men cay và hạt cơm rượu bị xác.
Rượu nếp cái ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng. Rượu nếp có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải sử dụng đến đường. Ngoài rượu nếp bạn có thể chuẩn bị các loại trái cây của mùa này như mận, xoài, lê, đào… để có một cái tết Đoan Ngọ thật xôm và đúng điệu nhé!
Cách làm cơm rượu kiểu miền Nam
Nguyên liệu:
– 500g gạo nếp
– lá chuối
– 6 viên men ngọt nhỏ
– 1 chén nước muốiCách làm:
– Lá chuối rửa sạch, để ráo, lau khô.
– Nếp vo sạch, để ráo. Nấu sôi 1 lít nước. Cho nếp và nước sôi vào nồi cơm điện, nấu chín thành cơm nếp.
– Xới cơm nếp ra khay, dàn thành lớp mỏng, để nguội.
– Giã nhuyễn men.
– Dùng lá chuối lót đáy và thành thố đựng.
– Khi cơm nếp nguội thì rây men đều lên mặt cơm nếp.
Lưu ý là cơm nếp phải nguội, nếu cơm còn nóng thì men sẽ bị “chết”, không thành rượu được.
– Chuẩn bị chén nước pha 1 muỗng cafe muối để thoa tay cho khỏi dính. Vắt cơm nếp trộn men thành từng viên nhỏ cho thật chặt tay, quấn lá chuối quanh viên cơm nếp, mình làm 2 viên cùng nhau như trong hình.
– Xếp viên cơm nếp vào thố thành từng lớp.
– Trên cùng đậy một lớp lá chuối.
– Đậy kín nắp thố, cho thố vào 2 lớp nilon buộc kín lại. Ủ trong 3-5 ngày thì được.
– Tùy chất lượng men và nhiệt độ mà thời gian ủ khác nhau. Sau 3 ngày các bạn có thể mở thố ra thăm chừng, mùi men rượu tỏa ra thơm, viên cơm rượu mềm hơn, nước rượu tiết ra ở lớp dưới thố và nếm thử xem độ nồng vừa chưa là được. Nếu chưa được chúng ta lại đậy lại để thêm 1-2 ngày nữa.
Lấy lá chuối ra bỏ, xếp các viên cơm rượu và nước rượu vào một thố khác, cho vào tủ lạnh để cơm rượu giữ vị ngọt nồng vừa phải, không tiếp tục lên men cay thì sẽ trữ được lâu hơn. Nếu thích vị ngọt hơn và nhiều nước hơn, có thể nấu ít nước đường, để nguội rồi chế vào thố cơm rượu.
Cách làm cơm rượu kiểu này cũng không hề khó, chị em hãy thử nhé!
Lưu ý:
– Cơm nếp nấu quá khô sẽ không tiết được nhiều nước rượu, quá nhão thì viên cơm rượu không được chắc, sẽ bị rã ra, độ “hút” nước của nếp cũ và mới khác nhau cũng ảnh hưởng đến việc canh nước nấu cơm nếm. Tuy nhiên mình thường nấu với tỷ lệ 1:1 như thế thì thấy cơm nếp vừa dẻo.
– Men có thể có độ lớn nhỏ khác nhau, các bạn có thể hỏi người bán thì sẽ mua được lượng men vừa đủ cho 1 kg nếp nhé.
– Cơm rượu kiểu miền Nam mềm hơn, khác với rượu nếp sần sật của miền Bắc, mỗi món mỗi vị đặc trưng riêng. Món này kết hợp với xôi vò ngon tuyệt.
Tags: cơm rượu 3 miền, cơm rượu miền bắc, cơm rượu miền nam, cơm rượu ngon, làm cơm rượu