Bê thui ở Cầu Mống ngon là bởi tuyệt chiêu lâu đời của những chủ quán nơi đây.
Đĩa bê thui Cầu Mống vừa chín tới, không quá tái cũng không quá rục, nên thịt luôn ngọt ngon lạ kỳ.
Bê thường được nuôi bằng ngọn mía để cho thịt bê khi thui xong bên trong trắng thanh và có mùi thơm dễ chịu. Chỉ có tuyệt chiêu thui bê ở Cầu Mống, thịt bê mới vừa chín tới, không quá chín rục, tái rất vừa ăn.
Cầu Mống là một địa danh thuộc xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), nổi tiếng khắp nơi nhờ món… bê thui trứ danh. Thậm chí, có rất nhiều quán bê thui ở các tỉnh, thành miền Trung, cả vào trong Nam cũng lấy tên “bê thui Cầu Mống” để đặt tên cho món bê thui của quán mình. Nhưng, muốn ăn bê thui ngon, “đúng sách” nhất, thì chỉ có thể là ở chính địa danh Cầu Mống.
Theo những cụ ông trong làng, thì bê thui Cầu Mống xuất hiện từ những năm 60, và nổi tiếng từ đấy đến giờ. Ở đây, những quán bê thui nằm ngay mặt tiền của quốc lộ 1A, nên không quá khó khăn để du khách tìm thấy. Có rất nhiều quán bê thui mở ra, nhưng nếu muốn ăn ngon, thì thực khách thường lựa chọn quán Bảy Lép và quán Mười. Càng về sau thì quán Mười sửa chữa nhiều lên, nâng cao chất lượng nên hút khách nhiều hơn.
Bê thui ở Cầu Mống ngon là bởi tuyệt chiêu lâu đời của những chủ quán nơi đây. Bê chọn thui thường là bê có cân nặng từ 30kg hơi đổ lại, và trước khi làm thịt, chừng dăm bữa nửa tháng, bê thường được nuôi bằng ngọn mía với mục đích để cho thịt của bê khi thui xong, bên trong trắng thanh và có mùi thơm rất dễ chịu. Sau khi làm sạch, bê được thui mọi bằng than hoa. Chỉ có tuyệt chiêu thui bê ở Cầu Mống, thịt bê mới vừa chín tới, không quá chín rục, tái rất vừa ăn.
Chuối chát, dưa leo, đu đủ chua ngọt cùng rau sống, bánh tráng lề… không thể thiếu để ăn kèm với bê thui.
Và chỉ khi khách gọi, thì người phục vụ mới bắt đầu lóc thịt bê đã thui ra, sử dụng dao thật sắc thái nhanh để miếng thịt vừa miệng và tươi đều, rất tuyệt vời. Khi ăn, vắt một ít chanh lên dĩa thịt, vị ngon sẽ rất đặc trưng.
Thịt bê thui được dọn kèm với rau các loại, đặc biệt là rau thơm, quế, diếp cá, dưa leo, cải đắng… Hai thứ không thể thiếu trong rau ăn kèm đó chính là chuối chát xắt mỏng và đu đủ ngâm chua ngọt. 2 thứ này ăn kèm sẽ làm tăng vị giác và xóa đi cảm giác ớn nếu ăn nhiều.
Thật sai sót nếu không nhắc đến món mắm ăn kèm bê thui Cầu Mống. Chỉ có loại mắm cá cơm, được pha chế công phu, ăn rất bắt miệng chính là một trong những tuyệt chiêu để lôi kéo thực khách.
Bê thui có ngon đến mấy, nhưng nếu chén mắm cá cơm được pha cẩu thả thì chắc chắn sẽ khó mà mời khách đến với quán lần thứ 2. Chính vì vậy, cho dù là 10 năm, hay 20 năm, thì các quán bê thui đều tuân thủ nguyên tắc pha nước chấm rất cổ điển mà không bao giờ gây ngán cho thực khách. Mắm phải vừa có độ mặn vừa phải, lại có vị ngọt thanh, chua dịu, cay nồng và thơm dậy…
Cầm một miếng bánh tráng lề mỏng, gói ít rau sống, nhón thêm lát chuối chát, đu đủ, bỏ một miếng bê thui, sau đó bẻ một ít bánh tráng nướng… Cuộn toàn bộ lại, chấm vào chén mắm cá, vị ngon lan tỏa từ đầu lưỡi xuống đến cuống cổ, ngon không tưởng nổi…
Có lẽ vì vị ngon không dễ quên của bê thui Cầu Mống, nên dù món bê thui xuất hiện nhiều “dị bản” ở khắp mọi nơi, nhưng bê thui Cầu Mống vẫn là số 1 trong lòng thực khách. Nếu bạn cho là người viết đang nói ngoa, thì cứ đến và thưởng thức thử xem?
Tags: bê thui Cầu MỐng, kiến thức ẩm thực, món ăn đặc sản, món bê thui, món ngon, địa chỉ ăn uống